Hiện nay, rất nhiều người săn lùng những món đồ trang sức "độc" được làm từ móng vuốt thú dữ. Họ quan niệm việc đeo nanh vuốt sẽ đem lại may mắn, tránh được những điềm gở, buôn may, bán đắt, chủ nhân có khả năng nhìn thấu suy nghĩ người khác. Do đó, người ta sẵn sàng bỏ tiền triệu, thậm chí hàng ngàn đô để sở hữu được tấm bùa hộ mệnh này.
Hiện nay, có rất nhiều món đồ trang sức được làm từ nanh vuốt thú dữ được trào bán tràn lan trên thị trường. Không khó khăn gì tìm mua được một chiếc nanh hổ, nanh lợn rừng, nanh gấu, móng gấu... Giá cả của từng món đồ hết sức phong phú, từ vài trăm nghìn đến tiền triệu. Nanh gấu dài 6cm - 7cm có giá khoảng 600ngàn/nanh, một bộ móng vuốt của gấu thường tròn và cong nhọn phần đầu, giá của chúng cũng rơi vào tiền triệu, nanh hổ dài khoảng 5cm - 8cm được bán với giá vài triệu đến chục triệu đồng, tùy theo hình dáng, chất lượng của từng món hàng. Đối với những món hàng "độc" được dát vàng, dát bạc và yểm bùa được bán với giá tiền tỷ.
Anh Nguyễn Xuân Th. - một tay buôn móng vuốt thú rừng sành sỏi ở Hà Nội cho hay: Người dân quan niệm rằng, hổ là chúa tể của rừng xanh nên hội tụ đủ sức mạnh thiên nhiên. Chúng ăn toàn thực vật quý, uống nước rừng, sống trong rừng sâu nên hấp thụ được linh khí của đất trời. Con hổ càng già thì nanh càng lớn và uy lực của nó càng mạnh. Người nào sở hữu được chiếc nanh cọp tinh đã ăn thịt nhiều người thì sẽ không sợ con vật hung dữ nào. Chó sói, gấu, rắn hổ chúa khi nhìn thấy bóng vía là chúng sẽ quỳ xuống. Việc đeo móng hổ còn giúp chủ nhân tránh bị tà đạo, ma quỷ làm hại, đạn bắn không trúng?!!.
Trong các loại móng vuốt của thú dữ, dân "sành" thích nhất là nanh lợn rừng. Theo tín ngưỡng của người phương Đông, nanh lợn rừng có thể giúp chủ nhân tránh khỏi ma quỷ. Tục đeo nanh lợn rừng xuất phát từ một số dân tộc thiểu số. Họ coi đó là bùa hộ mệnh sẽ khiến cho thú dữ phải khiếp sợ và tôn thêm vẻ uy nghiêm cho người đeo.
Dân chơi "sành" cho rằng, đeo răng nanh lợn rừng sẽ giúp cho người đó luôn gặp may mắn, nắm bắt được thời cơ, cuộc sống thịnh vượng, tránh được những điềm gở, giải trừ ma quái và ốm đau, bệnh tật.Ngoài ra, đối với những chiếc nanh đã được những ông thầy cao tay yểm bùa thì sẽ có khả năng giúp chủ nhân biết trước để có thể phòng vệ với những kẻ có dã tâm độc ác.
Giới "anh chị" trong giang hồ còn thích đặc tính của lợn rừng đực, khi chúng tách bầy thường sống lẩn khuất, nhưng không tách biệt với đồng loại, do đó mà nó vừa có tính khí mạnh mẽ và lì lợm. Nếu có sự tranh giành về lãnh địa, bạn tình thì heo rừng rất "ngầu". Với cặp răng nanh vòng ngược, chúng lao vào chiến đấu với bất kỳ đối thủ nào đến hơi thở cuối cùng. Trước khi chết, lợn rừng thường cắm nanh xuống đất, chỉ còn hơi thở thì nanh của nó sẽ còn ủi đất đến khi tắt thở thì thôi. Khi chết chúng đều ủi đầu xuống đất để giấu chiếc nanh của mình.
Một số người duy tâm cho rằng: Người làm nghề liên quan đến việc sát sinh thường đeo nanh lợn rừng có yểm bùa để phòng sự trả thù của những sinh linh. Hơn nữa, chiếc nanh lợn rừng có những điều kỳ diệu đến huyễn hoặc như khi cắm những chiếc nanh đó vào cây chuối thì cả cây sẽ chết, để tim đèn pin cháy ngang qua nanh lợn rừng, lửa sẽ tự tắt, nếu nanh đã được yểm bùa, chúng sẽ phát sáng khi ở trong tối.
Nanh vuốt giả được bán tràn lan.
Nanh của lợn rừng đực trung bình dài từ 8 - 10cm có giá khoảng 500 ngàn/nanh. Nanh của lợn rừng già dài từ 12cm trở lên sẽ được bán với giá rất đắt, nanh càng cuộn tròn vòng càng lớn và càng đặc ruột thì giá rất cao, đắt giá nhất là nanh có đường kính hình cuộn tròn hơn 13cm. Một số dân chơi còn bọc bạc hoặc vàng, họ chạm trổ, điêu khắc những hình thù độc đáo như hình phật, rồng, ký tự độc đáo và được bán với giá hàng ngàn đô. Một số dân chơi còn chơi loại mặt hàng này theo tướng số.
Những người chơi nanh vuốt thường có sự hiểu biết nhất định về đặc tính của nanh. Nếu không biết cách bảo vệ sẽ mau chóng làm nanh bị hỏng. Người mua móng hổ sẽ không được bóp, nắn mạnh chiếc nanh khi mua, vì đó là tối kỵ, nếu không móng đó sẽ bị hỏng, có thể bị đứt ngang theo vân móng, nứt dọc. Vì vậy, dân chơi thường bơm silicon để tránh hiện tượng này. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều loại nanh vuốt được bày bán tràn lan, trong khi đó, các loại động vật, thú dữ đang dần cạn kiệt, vậy tại sao nanh vuốt thú dữ ngày càng xuất hiện nhiều trên thị trường?
Anh Th. cho biết, việc săn bắt thú rừng cạn kiệt đã dẫn đến khan hiếm các mặt hàng trang sức này. Hiện những ông chủ buôn chủ yếu nhập những chiếc răng nanh thú dữ từ Lào, Campuchia, Thái Lan. "Những ông chủ sẽ đặt hàng với những đầu nậu thu mua móng vuốt tại các vùng trong các nước như Lào, Thái Lan, Campuchia. Họ có rất nhiều cách để tuồn mặt hàng cấm này vào Việt Nam. Có thể họ nhập lậu lẫn vào cùng các mặt hàng khác, nhưng chủ yếu là thuê những người dân sống ở ven đường biên giới để đưa hàng về. Tuy nhiên nanh vuốt ở các nước này cũng đã cạn kiệt. Bây giờ nanh vuốt giả cũng nhập lậu nhan nhản", anh Th. nói.
Được biết, hiện tất cả các loại móng vuốt được bày bán trên thị trường chủ yếu là hàng giả. Chỉ cần một cú click chuột với từ khóa "cần tìm nơi làm giả móng vuốt thú rừng" thì hàng loạt các địa chỉ hiện ra.
Lần theo địa chỉ nick name Long Pro, đăng tin lên mạng, chúng tôi gọi điện đến số điện thoại 0974521xxx. Người cầm máy xưng tên Long cho hay: "Cơ sở của chúng tôi được đóng tại Hải Phòng, nhưng nổi tiếng khắp cả nước. Chúng tôi nhận làm tất cả các loại móng vuốt, từ nanh gấu, móng gấu, nanh hổ, nanh lợn rừng, thậm chí cả ngà voi giả cũng làm được".
Tôi vờ như không tin, Long tiết lộ: "Việc chế những chiếc nanh, móng này hết sức đơn giản. Chỉ cần lấy móng, xương, sừng trâu bò ngâm hóa chất tẩy rửa cho trắng, sau đó dùng các thủ thuật để làm cho nó giống hệt như thật. Nanh hổ, nanh lợn rừng đặc chứ không rỗng ruột, tuy nhiên để chế được cũng không khó khăn lắm. Tôi chỉ cần nghiền thật nhuyễn bột sừng, pha keo, sau đó nén thật chặt để cho nanh đặc. Một số cơ sở còn dùng nhựa cứng để chế giống hệt những chiếc nanh hổ, tuy nhiên nó dễ bị lộ khi người mua lấy lửa để đốt. Việc làm giả độ sáng, đường vân, vết nứt thì phải những người lâu năm trong nghề mới có thể làm được. Tôi khẳng định là ở Việt Nam rất ít người mua được nanh, móng vuốt thật đâu. Bạn đặt với số lượng bao nhiêu cũng được, giá cả thỏa thuận, nhưng chắc chắn nó không đắt bằng một nửa móng thật đâu, làm ăn như thế mới có ăn chứ".
Cách phân biệt nanh vuốt thật - giả
Một tay "sành" chơi nanh vuốt khét tiếng chia sẻ kinh nghiệm để nhận biết nanh, móng vuốt giả. Đối với nanh hổ thì nanh của chúng sẽ có phần gốc thuôn, hoa văn chìm, sắc sảo, có hình tam giác ở phần chân nanh, phần men chỗ tiếp giáp thường rõ ngấn, gốc nanh có một lằn chỉ nứt ngầm ở gốc nhưng lại không sờ thấy vết. Nanh báo thì ít lằn nứt ngầm, gốc nanh bị rỗng ruột. Nanh sư tử đều có độ mòn, lõm khuyết của men nanh, vì do sự cọ sát của nanh trên và nanh dưới nên chúng thường bị mòn một phía, nanh trên mòn bên trong, nanh dưới mòn bên ngoài. Nanh lợn rừng thường có độ sáng chìm khi rọi dưới ánh sáng mặt trời hoặc soi qua đèn pin. Đối với các loại móng vuốt thú rừng cũng có những cách nhìn nhận riêng. Hổ, báo cùng chung họ nhà mèo nên người tinh tế sẽ phát hiện đâu là móng thật, đâu là móng giả dựa vào màu sắc của nó. Khi để dưới ánh sáng mặt trời hoặc dùng đèn pin soi, thì những đường vân tinh tế hiện ra. Tuy nhiên, cách hữu hiệu nhất là hơ qua lửa xem có mùi khét của nhựa không là biết ngay đâu là hàng giả, hàng thật.
(Theo NĐT)
Nhận xét
Đăng nhận xét